Bộ Công Thương sẽ đề xuất xây dựng cơ chế phát triển điện mặt trời áp mái bao gồm nhiều đối tượng tham gia và phù hợp thực tiễn để thúc đẩy nguồn điện này.
Tuy nhiên, việc xây dựng nghị định của Chính phủ cần nhiều thời gian để hoàn thiện hồ sơ và xin ý kiến các bên liên quan, trong khi nhiều doanh nghiệp và người dân mong ngóng sớm có cơ chế này.
Mở rộng đối tượng
Trao đổi với Tuổi Trẻ, một lãnh đạo của Bộ Công Thương cho biết sau chỉ đạo gần nhất của Phó thủ tướng Trần Hồng Hà, Bộ Công Thương sẽ hoàn thiện hồ sơ đề xuất xây dựng nghị định quy định về phát triển điện mặt trời áp mái, nhằm bổ sung vào chương trình xây dựng luật, pháp luật.
Trên cơ sở lấy ý kiến các bên liên quan và đồng ý đưa nội dung này vào chương trình xây dựng luật, pháp luật, Bộ Công Thương sẽ có dự thảo nghị định để xin ý kiến các bộ ngành và trình Chính phủ xem xét, ban hành.
Tuy nhiên, theo vị này, thời gian triển khai xây dựng nghị định về phát triển điện mặt trời áp mái (gồm cả trình hồ sơ xây dựng nghị định) có thể mất hơn bốn tháng.
Thêm nữa, theo định hướng của Phó thủ tướng Trần Hồng Hà đã nêu tại cuộc họp mới đây, việc phát triển điện mặt trời áp mái ở cấp nghị định sẽ có diện bao phủ rộng hơn, không chỉ là hệ thống nhà dân, công sở, khu công nghiệp, mà còn nhiều đối tượng khác như trung tâm thương mại, các khu dịch vụ, các khu vực mái nhà trong khu công nghiệp…
Như vậy với chỉ đạo trên, các đối tượng khuyến khích phát triển điện mặt trời áp mái sẽ được mở rộng hơn so với dự thảo nghị định gần đây nhất được Bộ Công Thương xây dựng.
Bởi dự thảo nghị định trước đây chỉ khuyến khích phát triển điện mặt trời áp mái lắp đặt tại nhà ở, cơ quan công sở để tự dùng, không bán điện cho tổ chức, cá nhân khác nhưng có nối lưới theo thỏa thuận đấu nối.
Ngoài mở rộng đối tượng, dự kiến cơ chế mới sẽ khuyến khích điện mặt trời áp mái còn có thể mở rộng với các tổ chức, cá nhân đầu tư và sử dụng điện mặt trời mái nhà được hưởng chính sách ưu đãi thuế, phí, lệ phí theo quy định của pháp luật.
Các cơ quan nhà nước có liên quan ưu tiên bố trí ngân sách để thực hiện phát triển điện mặt trời mái nhà tại cơ quan, công sở.
Bộ Công Thương khẳng định cơ chế mới không đề xuất chính sách làm phát sinh thủ tục hành chính cho các bộ, song để kiểm tra giám sát sự phát triển của điện mặt trời mái nhà theo đúng yêu cầu của Nhà nước, cần thiết phải có thủ tục hành chính và giao cho địa phương thực hiện.
Sốt ruột chờ cơ chế cho điện mặt trời
Trong khi chờ đợi chính sách mới, nhiều doanh nghiệp điện mặt trời lẫn các doanh nghiệp sản xuất đều cho biết rất “nóng ruột” khi vẫn chưa có quy định cụ thể kể từ khi cơ chế khuyến khích hết hiệu lực từ năm 2020.
Ông Chung Diệu Tuấn – giám đốc điều hành Công ty cổ phần đầu tư Copper Mountain Energy Solar (CME Solar) – cho biết nhu cầu lắp đặt điện mặt trời trên mái nhà xưởng, khu công nghiệp đang tăng cao trong các lĩnh vực sản xuất của các công ty FDI tại Việt Nam, đặc biệt là ngành điện tử, bán dẫn và dệt may.
Vừa qua, CME Solar đã ký thỏa thuận về việc lắp đặt hệ thống điện mặt trời mái nhà cho nhà máy của LG Innotek tại Việt Nam với công suất lắp đặt lên đến 4,3MWp. Trước đó, nhiều doanh nghiệp FDI cũng đã lắp đặt điện mặt trời với tổng công suất mà doanh nghiệp này đã lắp đặt lên đến 100MWp.
“Khi đã cam kết phát thải ròng bằng 0, các thương hiệu và nhà sản xuất quốc tế tại Việt Nam cần đáp ứng yêu cầu về chuyển đổi năng lượng sang các nguồn tái tạo nên đây cũng là cơ hội cho thị trường năng lượng mặt trời phân tán phát triển ở Việt Nam”, ông Tuấn chia sẻ.
Tương tự, ông Phạm Phước Bình – giám đốc Công ty CP Bincon – cho rằng hiện nay các doanh nghiệp sản xuất, đặc biệt là các doanh nghiệp FDI và doanh nghiệp xuất khẩu, đang rất muốn lắp đặt điện mặt trời trên mái nhà xưởng.
Điều các doanh nghiệp cần đầu tiên là một hành lang pháp lý để có thể triển khai các mô hình điện mặt trời trên mái nhà xưởng của mình, dù mục đích chỉ dùng cho sản xuất bên dưới nhà xưởng.
Theo ông Bình, từ 31-12-2020 đến nay, Việt Nam “trống” cơ chế để lắp điện mặt trời mái nhà trong khi bản thân doanh nghiệp có nhu cầu, dẫn đến tình trạng doanh nghiệp phải làm lén, tự phát. Bên cạnh đó, nhiều doanh nghiệp muốn lắp đặt nhưng do thiếu cơ chế, hành lang chính sách nên cũng chưa dám làm.
Còn theo ông Phạm Đăng An – phó tổng giám đốc Vũ Phong Energy Group, việc sớm có chính sách, cơ chế để có hành lang pháp lý phát triển điện mặt trời mái nhà là rất cần thiết để các hộ gia đình, cơ quan, doanh nghiệp tận dụng nguồn năng lượng sạch này.
Bên cạnh nhóm đối tượng hộ gia đình, thực tế cho thấy nhiều doanh nghiệp sản xuất cũng đang rất cần điện mặt trời mái nhà để đáp ứng các mục tiêu về giảm phát thải, thực hành phát triển bền vững hay đáp ứng các tiêu chuẩn môi trường xanh (LEED, Lotus…), các yêu cầu về tỉ lệ sử dụng năng lượng tái tạo từ chuỗi cung ứng toàn cầu…
Do đó, ông An cho rằng nếu chính sách được xây dựng linh hoạt cho cả các nhóm hộ gia đình, trụ sở cơ quan, doanh nghiệp sản xuất… sẽ tận dụng được những ưu điểm của điện mặt trời mái nhà, đồng thời đóng góp cho mục tiêu chung của quốc gia về chuyển dịch năng lượng, giảm phát thải, hướng đến Net Zero vào năm 2050.
“Chẳng hạn như với các doanh nghiệp, có thể ưu tiên hình thức tự sản xuất tự tiêu thụ, có đấu nối nhưng không bán điện vào hệ thống điện quốc gia.
Còn các hộ gia đình thì phục vụ tự dùng là chính, có thể quy định tỉ lệ điện tự sử dụng tại chỗ phù hợp ở các khu vực cần ưu tiên như miền Bắc để tạo khuyến khích đầu tư và tránh lãng phí điện…”, ông An nói.
Lãng phí nguồn điện
Đối với những doanh nghiệp đã lắp điện mặt trời thời gian qua, theo ông Phạm Phước Bình, doanh nghiệp phải lắp thêm hệ thống ngăn phát điện lên lưới của ngành điện (Zero Export) khi lượng điện sản xuất mà nhà máy không dùng hết.
Điều này kéo theo sự lãng phí khi EVN thiếu điện, nhà máy lại thừa điện nhưng không thể đẩy điện lên lưới khiến nguồn điện dư thừa này phải xả bỏ. “Thực sự doanh nghiệp cảm thấy rất tiếc.
Những lúc cao điểm nắng to, điện sản xuất lớn lại rơi vào trúng thời điểm EVN đang thiếu điện nhưng điện dư thừa ra đó lại không thể đẩy lên lưới vì chưa có cơ chế để EVN tiếp nhận khiến nguồn điện này bỏ đi quá lãng phí” – ông Bình nói và đề xuất khi xây dựng chính sách mới lần này, Bộ Công Thương cần làm rõ trường hợp thiếu điện, nhà máy có được đẩy điện lên lưới hay không, nếu được đẩy lên lưới thì EVN sẽ mua điện như thế nào để tránh lãng phí.
Mái nhà công sở ở TP.HCM chờ… lắp điện mặt trời
Tại TP.HCM, nghị quyết 98 cho phép trụ sở các cơ quan hành chính, đơn vị sự nghiệp công… được lắp đặt hệ thống điện mặt trời để tự dùng, UBND TP tổ chức việc lắp đặt này để đảm bảo cảnh quan
Theo tính toán, tiềm năng có thể lắp đặt các hệ thống điện mặt trời mái nhà tại TP.HCM đạt khoảng 5.081MWp, được xác định cho bốn nhóm – gồm cơ quan hành chính chiếm 3,27%, sản xuất chiếm 31,28%, thương mại dịch vụ chiếm 3,1% và hộ gia đình chiếm 62,34%. Và theo ông Bùi Trung Kiên – phó tổng giám đốc Tổng công ty Điện lực TP.HCM, công suất điện mặt trời có thể lắp đặt trên mái nhà các cơ quan hành chính, đơn vị sự nghiệp công tại TP khoảng 160MWp.
Nguồn: https://tuoitre.vn/ngong-chinh-sach-dien-mat-troi-ap-mai-20231111085123681.htm